Sống và yêu thương theo gương Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Phi – Giám đốc Đại Chủng viện Sao Biển (21.05.2012)

Cộng đoàn phụng vụ thân mến, người đời thường quan niệm: chết là hết, chết là tận cùng bằng số, là thất bại ê chề, chết là bước xuống cỏi thinh lặng ngàn thu; thế nhưng trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết rằng: chết là giờ phút ngài được vinh quang: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh.”

Thật lạ lùng! Chúa Giêsu coi giờ chết của ngài, một cái chết vô cùng đau đớn, vô cùng thê thảm là giờ chiến thắng, giờ ngài được bước vào cuộc sống vinh quang bất diệt.

Ngài so sánh cái chết của mình với hạt lúa giống. “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không mục đi thì nó chỉ trơ trọi một mình…” Phải chết đi mới được sống sung mãn và hữu ích. Nhưng có phải cái chết nào cũng đưa tới sự sống vinh quang cao cả không? Chúa Giêsu nói tiếp: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho cuộc sống đời đời.” Yêu mạng sống mình là sống ích kỉ, chỉ lo sống cho mình, chỉ nghĩ tới mình và những gì thuộc về mình mà thôi. Sống như thế thì đã đánh mất cuộc đời mình rồi. Còn “ghét sự sống mình ở đời này” có nghĩa là dám dâng hiến nó, dám hy sinh nó cho kẻ khác được sống dồi dào và hạnh phúc.

Khi nói như thế, Chúa Giêsu đang nói về chính mình Ngài, vì Ngài là Đấng đã “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Nhưng khi nói như thế, Chúa đồng thời cũng nêu lên một quy tắc sống cho mọi người. Sống và chết gắn kết vào nhau; có thể nói chúng ta đang sống nhưng vẫn chết từng phút từng giây, ở đời không ai tránh khỏi cái chết, đó là thân phận con người. Nhưng chỉ ai biết sống và chết vì tình thương, sống và chết trong tinh thần Dâng Hiến và Phục Vụ, sống và chết để ít nhiều mang lại hạnh phúc cho kẻ khác, kẻ ấy mới sống cuộc đời sung mãn và thành đạt. Nhưng chúng ta đừng chỉ nghĩ tới những cuộc đời hi sinh cao cả hay những hành động vị tha lớn lao, nổi bật, mà ngay cả một cuộc đời bị coi là hèn mọn, cuộc đời âm thầm với những việc làm nhỏ nhặt, “tăm tối” và tầm thường nhất cũng có thể thực hiện lý tưởng trên một cách “oanh liệt” không kém.

Anh chị em thân mến, cuộc đời của Đức Cha Phêrô có thể nói là một cuộc đời vì kẻ khác và cho mọi người; câu châm ngôn sống của ngài là: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giã”: phải quên mình đi để sống…cho… và sống vì tha nhân: trong 36 năm linh mục và 6 năm làm Giám mục, Đức Cha luôn sống “hiền lành và khiêm nhường” như câu khẩu hiệu Giám mục mà Ngài đã chọn; “Mitis et Humilis Corde” (Hiền lành và Khiêm Nhường). Với Đức Cha Phaolô, ngài luôn luôn kính yêu, như người cha, người thầy, đến lúc gần xuôi tay nhắm mắt, ngài còn nhắc với các cháu: Cậu thấy Đức Cha Phaolô hết kem súc miệng rồi, các cháu mang về một ít gửi cho Ngài. Với Đức Ông Sách, Đức Cha luôn xưng mình là con. Với các linh mục đàn anh, Đức Cha gọi anh Ba Phú, Anh Bốn Sinh, Ông Mười Kim, Bảy Thạnh, Năm Tạc…. Với các linh mục trẻ hơn Đức Cha, Ngài xưng là mình. Chắc chắn bài học hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu đã thấm sâu trong máu huyết của Ngài, nên mới có thể thốt ra những lời hiền hòa và thân mật như vậy. Những ai đã từng tiếp xúc với Ngài, đều nhận ra nơi cuộc sống của Ngài một sự bình dị tuyệt vời…

Chín năm đã qua đi sau cái chết đột ngột của Ngài, nhưng dường như, những ai quen biết Ngài, đều không thể quên nụ cười sảng khoái và những câu chuyện ngộ nghĩnh, hài hước của Ngài. Tinh thần bác ái vui tươi luôn gắn liền với đời sống đơn sơ của Ngài. Đi tới đâu, Ngài không bao giờ quên các cụ già, nhất là các linh mục, các nữ tu già và cứ mỗi lần thăm là có quà cáp cho các cụ. Trong các dịp hè, hoặc các lễ hội, hoặc trong những dịp đi xa, ngài thích mời mọc nhiều người cùng đi cho vui, để có dịp gặp gỡ, và tạo niềm vui cho nhau. Trên xe nào có Ngài, thì luôn có sự vui vẻ, và những tiếng cười thoải mái. Lúc nào Ngài cũng đem niềm vui đến cho mọi người. Đặc biệt, đối với Đại Chủng Viện Sao Biển này, Ngài đã góp phần to lớn trong công việc xây cất và đào tạo. Trong 36 năm làm Linh mục và 6 năm làm Giám mục, Ngài chỉ sống ở xứ Hà Dừa 13 năm, thời gian còn lại tất cả dành cho công việc đào tạo linh mục. Ngài thường khuyên bảo các linh mục học trò: phải chịu khó học và phải biết lắng nghe, nếu yếu kém mà có quyền, thì dễ sinh ra độc tài, làm khổ cho con chiên bổn đạo. Với tất cả tâm tình của một người cha hiền lành luôn lo lắng cho con cái, Ngài luôn quan tâm nâng cao kiến thức cho các Linh mục trẻ bằng việc gửi các Linh mục đi du học ở nước ngoài.

Ngài cũng luôn chăm sóc sự phát triển các hội dòng trong giáo phận, giúp gửi đi nước ngoài để nâng cao trình độ, giúp xây dựng cơ sở cho các cộng đoàn.

Ngài còn lo lắng cho những người nghèo khổ và các anh em thiểu số ở vùng sâu vùng xa. Đồng thời, Ngài còn sắp xếp thời gian thăm viếng các linh mục hưu dưỡng cũng như các linh mục ở những nơi xa xôi hẻo lánh của giáo phận.

Đức Cha Phêrô còn có tài nhìn xa trông rộng, Ngài đã không quản ngại nhọc nhằn mà còn đem tiền của do con cháu và các thân nhân giúp đỡ để tìm tòi mua đất, khi thì ở Đồng Bò, lúc thì ở Cam Ranh, Vạn Giã, Đá Hàn, Khánh Vĩnh, rồi Liên Sơn, Ninh Sơn, Sông Pha thuộc Tỉnh Ninh Thuận..v.v.

Mua đất không phải cho riêng Ngài mà cho các cộng đoàn dòng tu và giáo phận. Qua cách thức này, Đức Cha chuẩn bị sứ vụ truyền giáo để đem Chúa đến những môi trường xa xôi, hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa…!

Anh chị em thân mến, Đức Cha Phêrô đã ra đi, Ngài đã nêu gương sống hữu ích, sống vui và sống vì mọi người. Chúng ta phải sống và yêu thương theo gương Người.

Từ khi được an táng tại nhà thờ Chánh Tòa cho đến nay, mộ của Ngài không ngừng được nhiều người, nhiều phái đoàn hành hương đến kính viếng, nhiều vòng hoa, nhiều tấm biển tạ ơn, nói lên lòng quý mến và biết ơn đối với Đức Cha Phêrô, một con người sống đơn sơ, vui vẻ, hiền lành và khiêm nhường.

Ông Chín kính mến, (chúng tôi vẫn thường gọi Ngài bằng cái tên thân thương này). Cùng với gia đình linh tông, huyết tộc đang hiện diện trong thánh lễ này, Đại Chủng Viện Sao Biển luôn biết ơn và luôn nhớ cầu nguyện cho Ông Chín, và nếu Chúa đã thương ban cho Ông Chín đang vui hưởng vinh quang trên Nước Trời, thì xin nhớ đến và cầu bầu cùng Chúa ban ơn lành cho chúng con. Amen.