Hoài An
Đức Cha Nho đã từng kể câu chuyện cho chúng tôi nghe:
Vào những năm Ngài đi du học trước 1975, mỗi kỳ nghỉ hè Ngài đã làm mục vụ tại nhiều Quốc gia ở Âu Châu như Ý, Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Áo... và nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ như New York, Pensylvania, Illinois, Oregon, California...
Đặc biệt là tại tiểu bang Oregon, Ngài kể đã từng đi tham quan và học hỏi ở những nơi làm rượu nho, các loại rượu Sauvignon, Red Rose... tại Valley View Vineyard, Jacksonville.
Nhờ vậy mà vào những năm cuối thập niên 1970, lúc đó Ngài là Cha Chánh xứ Hà Dừa, Ngài đã đem những kiến thức làm rượu nho về dạy lại cho các Cha, các Thầy và một số đồng bào trong tỉnh Khánh Hòa.
Một số báo chí trong tỉnh Khánh Hòa và số đông giáo dân Hà Dừa đã không ngớt lời khen ngợi công ơn của Đức Cố Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, nhất là vào những dịp xuân về ...
Trích dẫn Báo Khánh Hòa 02/2011:
Nhớ mãi một làng nho …
Cứ mỗi độ Xuân về, người dân Hà Dừa (thôn Trường Thạnh, Diên Thạnh, Diên Khánh, Khánh Hòa) lại rộn ràng làm rượu nho đón Tết. Người trẻ ngỡ ngàng khi nghe hỏi về làng nho nhưng với bậc trung niên thì làng nho lại là kỷ niệm đáng tự hào. Việc trồng nho gặp nhiều khó khăn, ít thuận lợi nên làng nho nhanh chóng rơi vào cảnh mai một. Nhưng những gì còn đọng lại để mọi người tri ân đó là làng nho đã giúp họ có thêm một nghề mới - nghề làm rượu nho cho đến bây giờ.
Trong trí nhớ của tôi vẫn lưu lại hình ảnh một làng nho trù phú bên chân cầu Hà Dừa được hình thành từ những năm sau khi đất nước giải phóng. Nhưng nay làng nho đi về đâu, điều đó thúc giục tôi tìm hiểu.
Ông Cao Minh Anh (Trường Thạnh, Diên Thạnh), người từng gắn bó nhiều năm với làng nho Hà Dừa vẫn cố lưu giữ trong mảnh vườn nhà mình một giàn nho tím, giống nho được cho là thích hợp với đất đai, khí hậu nơi đây. Có lẽ, đây là một trong những vườn nho còn sót lại của làng nho thuở ấy. Ông Anh bùi ngùi khi kể về làng nho: “Những năm cuối thập niên 70 (thế kỷ XX), nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, nông dân chưa biết làm gì để kiếm sống, vườn tược bị bỏ hoang… Nghe đồn ở Phan Rang (Ninh Thuận), người dân trồng được cây nho đem lại hiệu quả kinh tế cao, thế là nhiều người rủ nhau vào đó học hỏi đưa cây nho về trồng. Nho có nhiều giống: đen, tím, xanh, đỏ… đủ loại. Lúc đầu trồng nho rất khổ, trầy trật thử hết giống này đến giống khác, cuối cùng người dân cũng chọn được giống nho thích hợp. Đó là loại nho tím (Anden) đem gây trồng cho đến bây giờ…”.
Cây nho không phải là loại cây thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Khánh Hòa, nhưng tại Hà Dừa cây nho phát triển rất tốt. Nhiều người còn cho rằng, nho Hà Dừa quả rất ngon, không thua nho Ninh Thuận. Trải qua nhiều vất vả, khó nhọc để chiều lòng “nàng nho”, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, làng nho Hà Dừa phát triển trù phú, “nhà nhà trồng nho, người người trồng nho”. Mùa nho chín rộn ràng làng trên, chợ dưới. Nho đem lại sự thịnh vượng cho làng nho. Sáng sớm đem giỏ nho chín xuống chợ Thành, thoáng cái đã bán hết vèo và thu đủ tiền chợ lo cho bữa cơm trưa tươm tất…
Vào mùa, nho chín nhiều vô kể, nho tươi tốt thì đem bán, còn nho xấu, nhũn nát thì làm rượu. Đến nay, khi nghề sản xuất rượu nho trở nên thuần thục, mọi người vẫn không thể quên công lao của vị linh mục giáo xứ (*) đã giúp dân làng cách chế biến rượu nho ngon.
Nồng đượm rượu nho Hà Dừa
Trồng nho dày công, “nặng” sâu bệnh, khiến người dân Hà Dừa không thể gắn bó lâu dài khi có nhiều loại cây trồng khác có giá trị cao hơn như hoa, cây kiểng. Làng nho Hà Dừa giờ có lẽ chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi, nhưng rượu nho Hà Dừa thì không ai quên được vị ngọt đọng lại trong từng chai rượu sóng sánh trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Bà Huế, chủ quán nhậu Hà Dừa vẫn nhớ như in cách làm rượu nho do vị linh mục Chánh Xứ Hà Dừa (*) truyền lại. Bà chậm rãi giảng cho tôi nghe cách làm rượu nho trong vại. Nho nguyên liệu, thường là loại xấu, nhiều vết nứt, trầy xước được cắt gọt bỏ đi phần hư hỏng, rửa sạch, ráo nước, vò nát (bỏ vỏ), trộn nhuyễn với đường rồi đem ủ trong những chum vại tốt, đậy kín để tránh ruồi. Thông thường, cứ 10 phần nho pha với 3 phần đường cát (loại đường vàng tốt hơn). Người làm rượu nho giàu kinh nghiệm khi ăn trái nho có thể “phán” thêm bớt lượng đường thế nào cho phù hợp. Sau 3 ngày, mở vại nho khuấy đảo cho đều. 7 ngày sau lại khuấy đảo. Nửa tháng bắt đầu chiết rút dịch nho bằng ống nhựa dẻo sao cho nước nho không theo lẫn xác thì có rượu thành phẩm uống ngay. Một tháng sau đó tiếp tục chiết rút dịch nho, làm như vậy nhiều lần cho đến khi không còn dịch nho lên men. Người không biết ủ nho có thể làm rượu nho bay mùi kháng, nước đục, không tinh khiết. Rượu để càng lâu càng đằm, bỏ vào chum sành, không dùng thùng nhựa rượu sẽ không ngon… Người thích uống “nặng đô” đổ thêm cồn cao độ vào ủ lại, hoặc thêm đá vào uống mỗi khi nhậu lai rai…
Tôi nhấp ngụm rượu nho bà Huế đưa, vị ngọt nồng lắng dịu không thể nào quên, mùi hương nho nồng nàn, chuếnh choáng… Bà Huế tâm sự: “Tôi cũng muốn làm nhiều nhưng thị trường còn nhỏ, chủ yếu đem biếu họ hàng, bà con ngày Tết, ngày thường vẫn làm để ai thích thì “chiều”, âu đó cũng là công việc phục vụ “thượng đế”….” Làng nho mai một, nguyên liệu thiếu, mỗi khi muốn làm rượu, bà Huế phải “a lô” tận Phan Rang để lấy hàng.
Làng nho đã đi vào quên lãng nhưng người làng nho vẫn nhớ về một làng nho thanh bình, cưu mang họ qua những năm sóng gió. Và cũng chính từ làng nho ấy, cách chế biến rượu nho ngon đã đi vào tâm khảm của mọi gia đình mỗi dịp Xuân về.
HOÀI AN.
(*) Đức Cố Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, Nguyên Linh mục Chính xứ Hà Dừa (1979 - 1991)