Đức Cha Nghĩa Phụ – Vị Mục Tử hiền lành đầy tấm lòng nhân ái

Lm. Landry Védrenne (Trần Thiên Long)

Bài giảng lễ giỗ 5 năm Đức Cha Phêrô tại San Jose, Hoa Kỳ ngày 05-25-2008

Kính thưa quý Cha, quý Thầy Phó tế, quý Tu Sĩ, quý Ông Bà, anh chị em và các bạn trẻ thân mến,

Trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Kitô đã quả quyết: "Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này thì khỏi phải chết, nhưng sẽ được sống đời đời. Vì Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống." Công đồng Vatican II gọi Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”.

Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban Mình Thánh và Máu Thánh Người làm thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng ta và ân sủng để chúng ta chu toàn nhiệm vụ hằng ngày. Nhờ Bí tích Thánh Thể mà chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Kitô, và càng ngày càng trở nên giống Người. Tất cả các bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể. Sống Bí tích Thánh Thể thật là cần thiết cho việc lớn lên và phát triển đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Chúa muốn chúng ta không những chỉ rước Thánh Thể, mà còn muốn chúng ta sống Thánh Thể. Sống Thánh Thể có nghĩa là để cho Chúa Giêsu ngự vào trong thân thể của chúng ta, và để ân sủng Người biến đổi toàn diện con người chúng ta. Nhờ thế, chúng ta trở thành biểu tượng của tình yêu cao vời của Người giữa thế gian.

Thánh Thể mạc khải cho chúng ta được kêu gọi hành động hơn là chỉ rước Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Thể cho thấy rõ chúng ta được kêu gọi để trở thành tấm bánh bẻ ra và chén máu đổ ra cho tha nhân, hy sinh cuộc đời để theo đuổi công lý, hòa bình, hòa giải, hòa hợp, tự do, sự sống và tình yêu.

Khi công bố cái chết của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải quyết chí hy sinh cả cuộc đời, đem hết tài năng và nỗ lực để tiếp nối công cuộc cứu độ của Chúa. Chúng ta được mời gọi chứng tỏ cho mọi người thấy chân giá trị của Bí tích Thánh Thể, khi tuân hành mệnh lệnh, Chúa Giêsu bảo chúng ta “làm việc này để nhớ đến Người”.

Không phải chỉ cử hành Thánh Thể vào ngày Chúa Nhật, nhưng còn cung cấp, nuôi dưỡng, yêu thương nhau và tha thứ cho nhau để trở thành Thánh Thể cho nhau mỗi ngày trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Trong Bữa Tiệc Ly năm xưa, khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh tạ ơn Chúa Cha, rồi trao cho các môn đệ mà nói: "Hãy nhận lấy mà ăn…Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" và Chúa cũng cầm rượu tạ ơn Chúa Cha và trao cho các môn đệ mà nói: "Hãy nhận lấy mà uống…Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Cử chỉ của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã thay đổi các môn đệ hoàn toàn, họ sẽ yếu đuối, họ sẽ vấp ngã, họ sẽ chối Thầy, họ sẽ phản Thầy, nhưng tấm bánh và chén rượu Chúa trao cho các môn đệ là Mình và Máu của Ngài đã trở nên sự cảm thông, sự tha thứ, và ơn giải thoát.

Hội Thánh mời gọi mọi người Kitô hữu luôn hiệp thông với nhau trong Bí tích Thánh Thể, và khi đã lãnh nhận Mình Máu của Chúa Giêsu Kitô, người Kitô hữu không ích kỷ nhận cho riêng mình, Mình Máu của Chúa còn nhắc nhở các Kitô hữu sống là phải chia sẻ và trao ban, sống là phải biết yêu thương nhau, sống là phải biết hy sinh và giúp đỡ lẫn nhau.

Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa.

Nói đến tấm lòng yêu thương của Người, chúng ta không thể quên nhắc đến Đức Cố Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho mà hôm nay chúng ta kính nhớ - dâng Lễ giỗ lần thứ 5 và cầu nguyện cho Ngài.

Ngày hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông với Giáo phận Nha Trang để cầu nguyện và tưởng nhớ Đức Cha Phêrô. Suốt cả cuộc đời, Ngài đã hy sinh hết mình để phục vụ Chúa, đào tạo linh mục, giúp đỡ mọi người, nhất là tìm giúp những người cùng khổ ở vùng sâu vùng xa.

Tôi đã hạnh phúc được sống 2 năm bên cạnh Đức Cha Phêrô, tôi đã được học hỏi rất nhiều điều tuyệt vời trong đời sống của Ngài.

Thật vậy, nhiều người thấy con người “Hiền lành và khiêm nhường” ( Mitis et Humilis) nơi Đức Cha Phêrô như câu khẩu hiệu mà Ngài đã chọn khi nhận chức Giám mục.

Nhiều người đã nhìn thấy Ngài, một vị Giám mục bình dân, giản dị, hòa đồng, dễ tính, luôn đem niềm vui và giúp đỡ mọi người. Tất cả những việc làm của Ngài, đã nói lên sự quan tâm và một tấm lòng nhân ái của một vị Mục tử.

Ngài còn quan tâm nhiều đến việc phát triển đời sống văn hóa xã hội, như đào tạo các nhân lực, nâng đỡ những tài năng trẻ, nâng đỡ những sinh viên nghèo, tài trợ các quán ăn sinh viên, thăm viếng những người già cả , người neo đơn...tất cả chỉ vì một tấm lòng nhân ái.

Riêng tôi, cách đây 6 năm, tôi có dịp cộng tác với Đức Cha Phêrô trong công tác dạy tiếng La Tinh tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang. Tôi thấy nơi Ngài dạt dào tấm lòng nhân ái yêu thương, nhất là đối với người nghèo và những người bị thiệt thòi, Ngài đã âm thầm đi thăm và giúp đỡ cho các anh chị em dân tộc ở miền rừng núi. Những linh mục ở các xứ vùng sâu, vùng xa, đã được Ngài âm thầm giúp đỡ rất nhiều, để lo phục vụ cho người nghèo.

Năm ngoái, tôi đã có dịp về Nha Trang, thăm viếng mộ của Ngài tại nhà thờ Chánh Tòa, tôi thấy có nhiều bản tạ ơn và thường có nhiều người đến viếng thăm và cầu nguyện. Hình ảnh này chắc hẳn cũng nói lên sự quý mến và thương tiếc của nhiều thành phần dân Chúa đối với Ngài.

Đức Cha Phêrô chết nhưng tấm lòng bác ái, yêu thương người của Ngài vẫn sống và luôn tồn tại.
Nguyện xin Đức Cha Phêrô cầu bầu cùng Chúa và Đức Mẹ Maria cho chúng con có tâm tình yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội và phục vụ tha nhân như Đức Cha đã sống và đã làm.

Như lời Đức Cha Cố Phêrô dặn dò:
"Đối ngoại hửu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả "
(Phải quên mình để sống... cho.. .và sống vì tha nhân).