Lm. Bênêđictô Nguyễn Công Phú
Bài giảng trong Thánh lễ giỗ Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho ngày 21/05/2004
Trọng kính Đức Cha Phêrô.
Quả thật, con có duyên nợ và nặng nợ gì với Đức Cha. Lần đầu tiên cách đây 7 năm, con hân hạnh được Đức Cha bảo con tuyên đọc sắc phong Tòa Thánh phong chức Giám mục cho Đức Cha, rồi cách đây một năm, trước linh cửu của Đức Cha, con lại được phép thay mặt cho toàn thể các Linh mục, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân nói lời tiễn biệt Đức Cha lần cuối. Con tưởng như vậy là đã xong, nhưng lần này nữa, Đức Cha Phaolô lại bảo con chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ giỗ giáp năm của Đức Cha. Quả là con không biết phải nói làm sao, trong thâm tâm con chỉ mong chối từ và đề nghị Đức Cha làm việc đó. Nhưng Đức Cha đã nhỏ nhẹ nói với con rằng: Nghĩ về Đức Cha Phêrô, tôi dễ xúc động lắm. Lời nói này, quả là bằng chứng tình cảm sâu đậm của Đức Cha đối với Đức Cha Phêrô. Thông cảm với Đức Cha và vì thương mến Đức Cha, con xin vâng lời.
Nhưng khi nhận lời rồi, con lại cảm thấy lúng túng, vì không biết chia sẻ điều gì đây, khi mà bao bài giảng, lời nói của các Cha thân cận với Đức Cha Phêrô tại Đại Chủng viện đã có thể đóng thành tập… Mới đây, lại nghe nhiều việc đau buồn xảy ra trong thời gian qua, nên con càng không biết phải bắt đầu như thế nào đây? Con băn khoăn tìm ý Chúa và nhớ lại khẩu hiệu "Hiền Lành và Khiêm Nhường" mà Đức Cha Phêrô đã chọn làm kim chỉ nam cho đời Giám mục của mình, điều mà trong lời từ biệt con đã biểu dương Ngài, vì Ngài đã ra sức làm theo Lời Chúa dạy: "Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Khi bộ phim Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu của đạo diễn Mel Gibson được khởi chiếu và xuất hiện phổ biến tại Việt Nam trong những ngày đầu Mùa Chay năm nay, xem phim ai cũng chứng kiến và xúc động trước cảnh Chúa Giêsu bị đòn vọt khủng khiếp, mà những người xem có những thái độ khác nhau: người thương Chúa thì ghét những người hành hạ Chúa, người bấy lâu nay hững hờ với Tôn giáo thì xem ra băn khoăn suy nghĩ và trở lại, kẻ tội phạm đến xin tự thú, người cho là bộ phim bài Do Thái, kẻ khác lại cho là khoái bạo lực. Một cụ già sau khi xem phim xong thì buông một lời: Chúa Cha dở quá, có một đứa con yêu dấu mà để quân dữ hành hạ như thế lại không hề ra tay cứu giúp … đó là một nhận xét rất là "người", tưởng chừng như đây chỉ là việc của người với người, giữa cha với con bình thường. Nhưng Đức Chúa Cha đã không dở đâu, mà chỉ vì muốn để con mình chịu như thế, lý do tại sao thì ai trong chúng ta lại không biết. Tuy nhiên, dù có thái độ nào đi nữa thì ai ai cũng nhận thấy một điều là sức chịu đựng của Chúa Giêsu, một sự chịu đựng đến khó hiểu, nếu không phải chỉ vì muốn vâng theo ý Cha cho đến chết nên đã cam chịu trong một tâm tình Vâng Phục, Hiền Lành và Khiêm Nhường tột độ như thế.
Đúng ra, không phải chỉ trong cuộc thương khó mà thôi, mà phải nói là cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một chuỗi dài, là một trạng thái (état chứ không chỉ là những actes lẽ tẻ) của những tâm tình, thái độ và hành động hiền lành, khiêm nhường thật trong lòng, như một sợi chỉ vàng hoặc sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời Chúa), một mẫu gương mà không ai bắt chước nổi.
1/ Quả thật, việc Chúa xuống thế làm người là gì nếu không phải là một hành động khiêm nhường đến tột cùng. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Philiphê: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết trên cây Thập Tự". (Pl2: 2, 6-8). Còn khiêm nhường nào sâu thẩm hơn?
2/ Việc Chúa sống ẩn dật mấy mươi năm trời, vâng lời hai ông bà Giuse và Maria là gì, nếu không phải là một đời sống khiêm nhường của một Thiên Chúa tạo hóa mà vâng lời thọ tạo? Thiên chúa mà vâng lời con người! Còn con người chúng ta thì sao?
3/ Việc Chúa ý thức mình là Thầy, là Chúa mà quỳ gối rửa chân cho các tông đồ, dù biết rõ các vị này kẻ thì phản bội, kẻ thì chối từ, kẻ thì trốn chạy … là gì / nếu không phải là hành động khiêm nhường, phục vụ của một Thiên Chúa đối với những con người tội lỗi. Để nêu gương? Nhưng ai có thể bắt chước được?
4/ Khi dân Samarie không cho Thầy trò đi ngang qua vùng đất của họ. Một số Tông đồ (Giacôbê và Gioan) nổi nóng, đòi Chúa cho lửa bởi trời thiêu sống họ. Chúa Giêsu đã quở mắng các ông. (có bản văn còn thêm rằng: Chúa Giêsu nói: "Ta không biết các con có tình thần nào, Ta đến không phải để tiêu diệt mà là để cứu sống" (Lc; 9, 53-57), rồi Chúa rẻ qua đường khác mà đi. Gương hiền lành của kẻ có quyền.
5/ Nói một cách bao quát, chương trình hành động của Chúa Giêsu để thực thi sứ mệnh của Chúa Cha giao phó, Đức Giêsu đã thực hiện theo tinh thần nào nếu không phải là trong tinh thần hiền lành và khiêm nhường, vâng lời và phục vụ: "Ta đến không phải để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người". Như thế, còn mẫu gương hiền lành và khiêm nhường nào hơn, và Chúa có lý do để dạy chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ đích thực của Ngài: "Các con hãy học cùng ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".
Trọng kính Đức Cha Phêrô,
Phần Đức Cha, Đức Cha đã nghe tiếng Chúa mời gọi nên đã chọn lời dạy và cách sống của Chúa làm châm ngôn, làm khẩu hiệu cho cuộc đời Giám Mục của mình: "Hiền Lành và Khiêm Nhường", và dù cuộc đời Giám mục của Ngài có quá ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn có 6 năm, nhưng cả cuộc đời của Đức Cha là một hành trình đi trong hiền lành và khiêm nhường. Với Đức Cha Phaolô, Đức Cha xem như một vị Thầy đáng kính và yêu mến, gần đến lúc ra đi, Đức Cha còn nhớ nói với con cháu: "Cậu thấy Đức Cha hết thuốc súc miệng rồi, con mang về một ít gởi cho Ngài". Với Đức Ông, Đức Cha xưng mình là Con. Với các Linh mục đàn anh, Đức Cha gọi anh Ba, anh Bốn, ông Mười. Với các linh mục trẻ, Đức Cha xưng là "Mình". Hẳn là bài học hiền lành và khiêm nhượng nơi Chúa Giêsu đã thấm sâu trong máu huyết của Ngài, nên mới có thể thốt lên những lời lẻ hiền hòa và gần gũi như thế. Quả thật, Đức Cha Phêrô đã lấy những lời dạy và gương sáng của Chúa để làm kim chỉ nam cho cuộc đời và mọi việc làm của mình. Những người đã từng được tiếp xúc với Ngài, đều nhận ra nơi cuộc sống của Ngài một sự bình dị tuyệt vời. Đã qua một năm sau khi Ngài qua đời, dường như ai ai cũng vẫn thấy đâu đó một nụ cười sảng khoái, những câu chuyện ngộ nghĩnh về Ngài. Đúc Cha đã sống và làm chứng về một Thiên Chúa tình thương. Ngài căn dặn các Linh mục học trò: "Phải chịu khó học hỏi và lắng nghe, nếu yếu kém mà lại có quyền, dễ sinh ra độc tài, làm khổ cho con chiên bổn đạo. Tất cả những điều ấy, Đức Cha đều suy ra từ lời của Chúa Giêsu: "Ai muốn làm lớn, thì hãy hạ mình xuống phục vụ anh chị em mình. Vì Nước Trời dành cho những tâm hồn bé mọn. Quả thật, ai có tinh thần đơn sơ và khiêm nhường thì mới biết được: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời".
Kính thưa cộng đoàn Dân Chúa,
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho Đức Cha Phêrô, cũng có nghĩa là chúng ta cầu nguyện cho chính mình, nhưng lời cầu nguyện chỉ có thể chân thành và đánh động Thiên chúa, một khi chúng ta sống tinh thần hiền lành và khiêm nhường như gương Chúa Giêsu. Ngài mời gọi chúng ta, Ngài hiện diện trong đời sống của Đức Cha Phêrô để làm mẫu gương cho chúng ta, mẫu gương nhỏ bé thôi, đơn sơ thôi, dễ bắt chước hơn là chính mẫu Giêsu. Ngài cũng mong muốn chúng ta mang lấy ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Ngài. Như vậy, chúng ta phải thể hiện chứng từ ấy qua cuộc sống của mình, cho dù gặp gian truân, đói khát, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo, cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình mếncủa Chúa Kitô. Tình mến đó được cụ thể hóa trong đời sống truyền giáo, xây dựng Giáo Hội hiệp nhất và yêu thương. Bài học này, Đức Cha Phêrô đã nổ lực dày công vun xới và dâng cả mạng sống của Ngài để làm chứng cho tình yêu thương tuyệt vời của Thiên Chúa. Chính vì thế, của lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa hôm nay, phải là hiến lễ của tình yêu thương và hiệp nhất.
Đức Cha Phaolô đã mất đi một người anh em thân thương, một người trợ lực đắc lực trong sứ mệnh Tông Đồ. Giờ đây, một mình Ngài hai vai gánh nặng. Chúng ta là Linh mục, là Tu sĩ, là Giáo dân, hãy yêu thương Ngài, vâng lời Ngài cùng hiệp nhất với Ngài trong lời cầu nguyện, tích cực cộng tác với Ngài để xây dựng tình thương và hiệp nhất trong Giáo phận, Giáo xứ và Cộng đoàn. Làm như vậy là chúng ta một cách nào đó làm vui lòng Đức Cha Phêrô, và an ủi Đức Cha Phaolô, Giám mục thân thương của chúng ta. Amen ./.