– Lm. Giuse Maria Trần Thanh Phong
Thánh lễ lúc 5:00 sáng tại Đại Chủng viện Sao Biển.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, với tâm tình biết ơn của người Á Đông:
"Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"
Sáng nay, gia đình Chủng viện chúng ta quy tụ nơi đây cử hành Thánh lễ Giỗ Giáp năm của Đức Cha Phêrô để cầu nguyện cho Ngài, tưởng nhớ đến Ngài, nhìn lại cuộc đời của Ngài và rút ra bài học cho chúng ta. Cuộc đời của Đức Cha Phêrô có nhiều nét đẹp, nhưng nét đẹp nhất có lẽ là cuộc đời mục tử của Đức Cha gắn bó với việc đào tạo hàng Linh Mục.
Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe trong bài Phúc Âm hôm nay đó là: "Nếu hạt lúa rơi xuống đất à không thối đi thì sẽ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sản sinh ra nhiều bông hạt". Hạt lúa nói ở đây ám chỉ về bản thân Đức Kitô, cũng như hạt lúa rơi xuống đất được thối đi đã sinh nhiều bông hạt, thì Đức Kitô khi chấp nhận chết một cách đau đớn cũng là đầu mối của nhiều mùa màng phong phú thiêng liêng. Qua đó, Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy biết nhìn Thánh Giá và sự chết như một phần quan trọng của đời hiến dâng. Không phải chỉ là chết khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, mà chúng ta phải tập chết hằng ngày, tức là sự từ bỏ mình, là sự từ bỏ ý riêng, là sự biết chấp nhận khổ đau vất vả, là sự biết chấp nhận những rủi ro khi mình quyết định đi theo con đường của Chúa. Chỉ khi nào chúng ta biết sống đời hiến dâng của chúng ta với sự chấp nhận những cái chết hằng ngày, thì chúng ta mới cảm thấy đời sống thiêng liêng của chúng ta lớn lên dần dần và trưởng thành.
Cuộc đời của Đức Cha Phêrô là cuộc đời của vị mục tử sống và gắn bó với việc đào tạo Linh mục. Nhìn vào tiểu sử cuộc đời của Ngài, chúng ta thấy rõ điều đó:
1967: Thụ phong Linh Mục
1968 – 1971: Hiệu trưởng kiêm Giám luật và Giám học Tiểu Chủng viện Sao Biển.
Từ năm 1975, sau khi lấy Tiến sĩ Thần học tại đại học Gregoriana, Ngài làm Giám đốc Đại Chủng viện Sao Biển cho đến hơi thở cuối cùng.
Thánh lễ cuối cùng trong cuộc đời của Ngài, là Thánh lễ phong chức Phó Tế và ban tác vụ giúp lễ cho các Thầy Đại Chủng viện Sao Biển ngày 18-6 -2003. Ba ngày sau, Ngài qua đời.
Với khẩu hiệu Ngài chọn khi Ngài được tấn phong Giám mục: "Hiền Lành và Khiêm Nhường", chắc chắn đã được Ngài hằng suy đi ngẫm lại và đem ra thự hành trong cuộc sống của mình. Từ khẩu hiệu đó, Ngài đưa ra phương châm sống cho mình, và Ngài thường căn dặn các học trò của Ngài:
"Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả".
(Phải quên mình để sống cho và sống vì tha nhân)
Những ai đã được sống với Ngài và được Ngài huấn luyện đều có một nhận định chung: Ngài là một con người vui vẻ, có tâm hồn quảng đại, biết chấp nhận Thánh Giá, biết đi trên đường Thánh Giá, và biết chết trên Thánh Giá. Đặc biệt là Đức Cha Phêrô đã giảng dạy cho học trò của mình và mọi người bằng chính tư cách mục tử của mình. Tư cách mục tử là một hình ảnh rất đẹp của Ngài. Ngay thẳng trung thành với những nguyên tắc đời tu, đứng đắn khiêm hạ trong các tiếp xúc, đơn sơ nhiệm nhặt trong việc sử dụng các tiện nghi. Không kêu ca than trách, không đòi hỏi gì, chỉ lo chu toàn bổn phận của mình một cách âm thầm. Thiết tưởng đó là nhũng bài học quý báu mà học trò và những người con của Ngài phải suy nghĩ, ghi nhớ và ghi ơn.
Tuy nhiên, cuộc sống và cái chết của Đức Cha Phêrô đã nói nhiều hơn bất cứ bài giảng và lời nói nào của Ngài. Cuộc sống và cái chết của Đức Cha, là những chứng từ về một tình liên đới mặn mà giữa Ngài với các linh mục và học trò, giữa Ngài với đoàn chiên, giữa Ngài với địa phương và với địa phận. Tình liên đới trong cuộc sống của Đức Cha là một giá trị lớn đẹp, có sức đánh động lòng nguời hơn tất cả.
Hôm nay, với chúng ta, cuộc đời của Đức Cha Phêrô cũng là một lời mời gọi đối với những người học trò và người con của Ngài. Những việc chúng ta làm như xin lễ, đọc kinh, tưởng nhớ đến Ngài cũng là những việc làm rất tốt, nhưng chúng ta đừng quên điều quan trọng của đời hiến dâng mà Đức Cha Phêrô đã nêu lên trong đời sống thường ngày của Ngài: phải biết chấp nhận những Thánh Giá, phải sống Thánh Giá, phải biết từ bỏ mình để nói lên tâm tình báo hiếu, hiếu thảo với người Thầy của mình.
Đức Cha Phêrô đã sống bình thường, nhưng không tầm thường. Chính tư cách mục tử của Ngài đã nói lên điều đó. Suốt đời của Ngài là một chuyến đi về Thiên Chúa là Cha Trên Trời. Ngài đã đi cùng với đoàn chiên của mình. Ngài đã đi chia sẻ cuộc sống chứng tá của mình với các học trò. Ngài đã đi phục vụ Tin Mừng trong bổn phận và trách nhiệm của mình. Như vậy, cuộc đời của Đức Cha mang một ý nghĩa lớn. Ngài ra đi quá đột ngột, không kịp nói một lời nào, nhưng cuộc sống của Ngài thực sự đã nói rất nhiều. Đức Cha đã ra đi quá bất ngờ, không để lại một chúc thư nào, nhưng thực sự chính cuộc sống của Đức Cha là một chúc thư. Chúc thư về linh đạo của người mục tử trong hoàn cảnh hôm nay.
Có những dòng sông chảy từ lòng đất,
Có những dòng sông chảy từ lòng người,
Có những dòng sông vẫn chảy đến muôn đời,
Dòng sông tràn trề lai láng một tình cha:
Đức Cố Giám mục Phêrô kính yêu.
Hạt giống mục nát đi cho cây đời nở hoa yêu thương mãi.
Lạy Chúa, xin cho linh hồn của Đức Cha Phêrô được hưởng nhan Thánh Chúa muôn đời. Amen.