Tín Thác Nguyễn Khắc Ngân
Tôi muốn viết về Cố Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho vì tôi biết về Ngài tuy không rõ ràng lắm. Tôi biết Ngài được sinh ra tại Giáo xứ Bình Cang vào ngày .. tháng .. năm 1937; và trở về cùng Chúa vào ngày 21 tháng 5 năm 2003. Mộ phần của Ngài yên nghỉ bên phải nhà thờ chính toà, Nhà thờ Núi Nha Trang. Nhà Ngài thời thơ ấu Ngài sống, tôi đã đến vì tôi là bạn học của Diệu Huyền, là con của người anh thứ tám, anh ruột của Đức Cha Nho. Dĩ nhiên tôi viết về Ngài vì Ngài từng là Giám mục Phó Giáo phận Nha Trang năm 1997, rồi Giám đốc Đại Chủng viện Sao Biển, Hiệu trưởng Tiểu Chủng viện Sao Biển, Cha sở Giáo xứ Hà Dừa năm 1978; với học vị cử nhân tại Giáo hoàng Học viện Piô X Đà Lạt và tiến sĩ Thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregorian tại Rôma. Tôi gặp Ngài lần đầu tiên năm 1969, năm tôi vào lớp huitième tại Tiểu Chủng viện Sao Biển. Ngài dáng cao với phong thái đỉnh đạt, nhưng khoan thai và thoải mái, đẹp trai trí thức với cặp kính cận hơi trễ xuống mũi. Không biết vì sao Ngài chọn tôi quét phòng khách của Ngài, và sau đó làm Chú nhỏ phụ trách phòng khách mặc dù tôi rất nhỏ con. Đó là dấu hiệu của sự ưu ái của Ngài đối với một chú tiểu. Năm đó tôi học củng giỏi, chỉ đứng sau một bạn ở Bình Tuy tên là Lại Hữu Phan. Ngài cốc nhẹ đầu tôi và nói đùa: “Học gì dở ẹc, thua người ta.” Câu nói đó làm tôi phấn đấu suốt đời. Ngài không dạy tôi vì Ngài dạy lớp lớn, nhưng các chú đều yêu mến Cha Nho, vì Ngài hay cho chúng tôi xem những bộ phim hay cuối tuần, như Ben-Hur, nhất là bộ phim “Ác quỷ và Gia nhân” làm cho các chú nhỏ mất ngủ suốt một đêm. Ngài vui vẻ thật đấy. Rồi sau đó Ngài du học tại Rôma, khi thay đổi chính quyền, tôi nghe Ngài về nước. Năm 1978, tôi gặp lại Ngài vì Ngài về làm Cha Sở giáo xứ Hà Dừa, quê hương tôi, và mang theo bảy Thầy khác. Ngài và các Thầy mang lại sinh khí mới cho Giáo xứ. Cũng đúng với tên gọi của Ngài, cả Giáo xứ hồi sinh nhờ nghề trồng Nho. Ngài đã đem những kiến thức từ các nước Âu Châu và Hoa Kỳ cách làm rượu nho về dạy lại cho các Cha, các Thầy và một số đồng bào trong tỉnh Khánh Hòa, Đặc biệt là tại Giáo xứ Hà Dừa. Buổi chiều Ngài hay đi chiếc xe đạp tàng dong, đi vào trong các góc nhỏ làng mạc để thăm hỏi từng giáo dân. Ngài hay dự các đám giỗ, đám cưới cùng các Thầy, đám đình nào cũng tham dự. Tôi thấy Ngài hớt tóc ở quán anh Danh, một giáo dân trong xứ. Mặc dầu Ngài học cao học rộng, nhưng bài giảng của Ngài nghe thật bình dân chân tình và cởi mở. Ngày đó tôi đi vùng kinh tế mới Suối Thơm, tôi ít có dịp gặp Ngài, tuy nhiên từ trong nhà xứ, Ngài thấy tôi đi trước nhà, là Ngài la lớn ngoắt tay bảo tôi vào, hỏi han đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Thời đó cây điều có giá, Ngài cứ bảo tụi tui cứ phát rẫy, trồng chừng ba ngàn cây là giàu. Ngài đâu có biết rằng chúng tôi trồng cỡ ba trăm cây là bở hơi tay. Ngài vui tếu là vậy. Ngài muốn tôi đi tu trở lại, nhưng Ngài tôn trọng tôi, Ngài không bao giờ đề cập với tôi, Ngài chỉ ngỏ ý với đứa em tôi. Ngài ý nhị vậy đấy. Ngày ấy tivi hiếm lắm, nhà xứ có một cái tivi màu. Thế là bà con lương giáo cả xứ đến xem, mặc con con coi mặc cha cha ngủ. Lại mấy bà mấy nhóc tè đại xung quanh nhà xứ “thơm” phát khiết. Năm 1986, tôi lập gia đình, tôi cưới một người vợ nghèo nhưng giỏi giang và nhân hậu. Ngài khuyên tôi một câu nhớ đời: “Thôi con về làm ăn với nó, hạnh phúc nha. Con tránh được một cái nhục phải cưới một cô gái giàu có.” Có lần vợ chồng tôi ẩm đứa con đầu lòng vào xin lễ Ngài. Thằng bé bụ bẫm lắm. Ngài đòi ẩm cho bằng được như một người ông. Thế đấy, Ngài thật tâm lý. Câu nói cửa miệng của Ngài là: “Đừng phức tạp những vấn đề đơn giản. Và hãy đơn giản những vấn đề phức tạp.” Rồi Ngài có những trọng trách lớn hơn, Ngài chuẩn bị rời xứ Hà Dừa. Tôi chào Ngài trong thương cảm và vội vả, vì nhiều hội đoàn đã có mặt tại nhà xứ để chào tiễn Ngài. Năm 1993, Cha Phêrô Phạm Ngọc Lê (Cha Hùng) về quản nhiệm giáo xứ. Tôi lại có dịp làm việc gắn bó với Cha Hùng, và hay cùng Ngài đánh bóng bàn vui vẻ lắm. Đức Cha Nho bắt đầu xây dựng Đại chủng viện Sao Biển ở Bình Tân, tôi ít có dịp được gặp Ngài. Có một lần, tôi gặp Ngài trong căn phòng tạm nhỏ hẹp, Ngài nhìn tôi ái ngại: “Sao mày xanh sao ốm như lỗ cốt vậy?” Ngài biết tôi bị bệnh viêm gan, Ngài tỏ vẻ quan tâm: “Bệnh gì cũng có thể chữa được, chứ gan thì khó lắm.” Ngài thương tôi như thế đấy. Thỉnh thoảng vợ tôi hay hái khóm ở Suối Thơm về tặng Ngài, khóm ngọt Ngài thích lắm. Năm đó vợ tôi tặng cha Hùng tận mười quả. Ngài có việc đi Phan Rang rẽ ngang Hà Dừa; thấy đống khóm Ngài biết ngay là khóm của thằng Ngân. Ngài nói tỉnh bơ: “Tao sáu trái, thằng Hùng bốn trái, nó ăn gì hết.” Rồi Ngài gởi tại nhà Quốc Khánh, để Ngài đi Phan Rang xong về lấy. Rồi vườn khóm bị lụi tàn, lâu lâu Ngài gặp Cha Hùng: “Sao không thấy thằng Ngân đem khóm xuống, khóm thằng Ngân là ngon nhất!” Sao Ngài giản dị đến vậy. Khi Ngài ngồi trên xe hơi mà thấy tôi đi Honda ở dưới đất là Ngài vẫy tay ngay. Ôi Đức Cha Nho ơi! Rồi có một lần, đứa em tôi là Linh mục Giuse Phêrô Nguyễn Ngọc Linh, nghĩa tử của Ngài ở Mỹ, nhờ tôi chuyển đến cho Ngài một chai rượu quý. Tôi dắt theo đứa con gái, Ngài đang bận việc lắm, nhưng Ngài thấy tôi, Ngài ngoắt tay một Thầy dẫn tôi vào phòng khách của Đại chủng viện. Tôi biết phận mình ngồi vào hàng ghế phía sau. Nhưng khi Ngài bước vào Ngài chỉ vào ghế Sôpha chính diện. Ngài trân trọng mời tôi và đứa con gái cùng ngồi vào hàng ghế Sô-pha dài, các Thầy phải trố mắt. Tôi thấy Ngài thân quen quá, tôi gọi Ngài bằng Cha xưng con, Ngài cũng cha con với tôi. Sao ấm áp quá! Ngài nói rằng: “Cha chỉ còn năm phút, Cha có công việc phải đi.” Vậy mà Ngài nói chuyện này chuyện kia với tôi đến mười phút, làm các Thầy không dám hó hé bước vào. Ôi! Tôi là ai mà Ngài ân cần với tôi như vậy! Ngài chưa cho tôi đồng nào, chưa giúp tôi cụ thể việc gì, nhưng cho tôi bằng cả tấm lòng bao dung của một người Cha. Tôi xin được nhận với hai tiếng Nghĩa Phụ vậy. Ngày Ngài mất, tôi nghe Ngài bị đường tăng, vậy thôi. Rồi Ngài ra đi yên lành trong Chúa. Tôi không đến đưa tiễn Ngài được. Nhưng trong tâm trí tôi Ngài luôn hiện diện. Tôi để hình Ngài lên trên bàn thờ tổ tiên gia đình; nhưng Ngài không phải dòng máu gia đình tôi. Tôi để hình Ngài cùng với thần tượng tôi là Cố Hồng y Giám mục Nha Trang Nguyễn Văn Thuận, và hai vị Thầy đáng kính khác và hai Xơ ngay trên phòng ngủ để các ngài đi vào giấc ngủ của tôi. Ngài thật là một đại nhân, Thánh nhân như khẩu hiệu của Ngài: “Hiền lành và Khiêm nhường”. Mong rằng một ngày không xa, Hội thánh cũng sẽ tuyên phong Ngài là bậc chân phước Phêrô Nguyễn Văn Nho. Ngài thật xứng đáng là con cái của giáo phận Nha Trang; là giáo dân gương mẫu của Giáo xứ Bình Cang; làm rạng danh Đại gia đình họ Nguyễn; và là mẫu gương cho các Kitô hữu; là Cha chung một đàn chiên Chúa, là mục tử tốt lành của Chúa. Nguyện xin Chúa vinh danh người tôi tớ Chúa, một người yêu nước Việt Nam PHÊRÔ NGUYỄN VĂN NHO. Houston, ngày 8 tháng 5 năm 2021 Tín Thác Nguyễn Khắc Ngân