Bài giảng trong Lễ giỗ 100 ngày của Đức Cha Phêrô

Linh mục Joseph Nguyễn Thường

(21.5 – 25.8.2003) 

"Phận con người là phải chết một lần!" (Dt 9,27)

Chết là án lệnh phổ cập không ai có thể tránh né. Chết là án lệnh không thể sai lầm, không thể khiếu nại, Thiên Chúa đã ban bố ngay từ thuở tạo dựng trái đất, nơi vườn Địa Đàng: "Người là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất!" (St 3, 19).

Thật là án lệnh khủng khiếp không thể trừ lại, không cần phải chứng minh, vì là sự kiện hiển nhiên hằng diễn ra trước mắt chúng ta. Con người sẽ phải chết !

Nếu như mọi người phải chết, thì chúng ta không trông mong gì hơn. Dù có lo lắng thuốc thang mấy đi nữa, sẽ đến ngày tôi phải nói: thế là hết! Tôi đã chạy đến cùng đường! Tôi phải ra đi để nhường chỗ cho người khác, chẳng khác gì khách lữ hành đã đến bến, đến ga, đến cùng đường, phải xuống xe để người khác lên. Khi xuống xe, ít ra người ta cũng mang theo hành trang, nhưng trong giờ tôi chết thì không thế: lúc chết, mỗi người chỉ được mang theo những việc mình đã làm mà thôi, vì không thể để lại cho ai khác! "Vì các việc họ làm vẫn theo họ" (Kh 14, 13).

Tôi sẽ phải để lại mọi của cải hiện hữu. Tôi phải bỏ lại tất cả, tất cả dù tôi quyến luyến thế nào chăng nữa, phải bỏ lại để ra đi tay không như tôi đã vào thế gian tay không!

Vẫn biết vậy, nhưng cái chết thật khó chấp nhận, và lắm khi cần phải có ai đó để nhắc nhở chúng ta. Chuyện xưa kể rằng Hoàng đế Philippe de Macédoine là một hoàng đế nổi tiếng tài ba và công minh. Trong số các quan cận thần, ông chọn một người, và giao cho một nhiệm vụ đặc biệt duy nhất là mỗi đêm khi nghe gà gáy, quan cận thần đó đến phòng Đức Vua đang ngủ, gõ mạnh vào cửa và nói to: "Tâu Đức Vua, Đức Vua cũng chỉ là một con người!" Và từ bên trong, Đức Vua lên tiếng đáp: "Đã là người thì phải chết!". Và lịch sử cho thấy Hoàng Đế Philippe de Macédoine là một bậc anh quân, tài ba nhưng đầy đức độc với mọi thần.

Chết là việc Chúa Giêsu đến tỏ bày sự thực.

Riêng đối với người sống đức tin thì cái chết được hiểu như sự Chúa Giêsu đến với từng người. Chúa Giêsu đến tìm mỗi người chúng ta. Chúa đến lúc nào, nơi nào, cách nào, thì đó là việc của Thánh Ý Ngài.

Đức tin Hội Thánh dạy chúng ta rằng cái chết là giờ Chúa Giêsu đến tỏ bày sự thực cho chúng ta: Chúa cho thấy Ngài là ai, Ngài yêu thương chúng ta như thế nào, và cũng cho chúng ta thấy là chúng ta đã đáp lại tình yêu Chúa như thế nào.

Ngay từ giây phút đầu, khi gặp Chúa Giêsu, mỗi người sẽ thấy Ngài hiện ra rõ ràng. Ngài đúng thực là tình yêu. Ngài đúng thực là sự sống. Ngài đúng thực là Bánh Ban Sự Sống. Ngài đúng thực là sự khiêm tốn vâng phục Ý Chúa Cha. Ngài đúng là Đấng Cứu Chuộc loài người.

Do đó tất cả những ai có nét giống như Chúa Giêsu, sẽ tự nhiên được thu hút vào Ngài. Đó là những ai suốt đời đã để ý gieo vãi tình thương, thực hiện giới răn yêu thương. Đó là những ai suốt đời đã cố gắng phục vụ sự sống, luôn tìm cách đem lại cho mọi người sự sống, sự sống dồi dào. Đó là những ai trọn đời khiêm tốn phục vụ ý Chúa. Đó là những ai suốt đời khao khát đón nhận ơn cứu chộc của Ngài và nhiệt tình cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Ngài.

Vẫn biết như vậy, nhưng sự ra đi đột ngột của Đức Cha Phêrô có cái gì đó làm chúng ta bàng hoàng hụt hẫng và đau xót! Có lẽ vì Đức Cha luôn là Con Người dễ mến, dễ thương, vui vẻ và quảng đại vị tha đối với hết mọi người.

Trong tâm tình thương nhớ và quí mến, chúng ta dâng lễ Giỗ 100 ngày cầu cho Đức Cố Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho kính yêu. Có dịp để chúng ta nhìn lại một vài sự kiện những ngày sau cùng của Đức Cha để nhớ, để thương, để cầu nguyện cho Ngài và để xin Ngài cầu nguyện bầu cử cho chúng ta bên toà Chúa.

Trọng kính Đức Cha, kính thưa quí cha, quí tu sĩ nam nữ và ông bà anh chị em thân mến, ngay từ khi ngã bệnh, sáng ngày thứ hai 19.5.2003, Đức Cha Phêrô vâng lệnh theo Chúa, đã phải bỏ lại tất cả, ngay cả khả năng làm những việc cần thiết thông thường và tế nhị nhất của con người: "Có khi nào như vậy đâu?” . Có lẽ Đức Cha đã phải mắc cở và khổ tâm không ít khi nói những lời đó! Vì bình thường sức khỏe của Ngài rất lý tưởng, ăn uống khỏe, trời lạnh không hề mặc áo ấm, và hình như không khi nào bị mất ngủ. Có lần tôi hỏi: "Đức Cha ngủ ngon không?” Ngài cười trả lời: "Trên trần gian nầy, có hai điều dễ nhất là ăn và ngủ mà không làm được, thì làm cái gì nữa?" Chứng tỏ rằng ít ra bề ngoài, Đức Cha Phêrô không có gì trục trặc khó khăn trong vấn đề sức khỏe. Thế mà bây giờ nằm trên gường, việc vệ sinh thông thường Ngài không còn kiểm soát được!...

Trước đó hai ngày, vào sáng ngày thứ bảy 17.5.2003, tôi lên gặp Đức Cha Phêrô xin Ngài ký đơn xin Chiêu Sinh Khóa VII cho Đại Chủng viện năm nay. Bình thường Ngài nói cười vui vẻ, nhưng hôm đó Đức Cha ký xong 10 tờ giấy, Ngài thinh lặng nhìn thật xa… Chữ ký của Đức Cha lúc này không được tròn và vững chắc như những lần trước. Có ngờ đâu đây là những chữ ký cuối cùng của Đức Cha.

Và hôm sau, tức ngày Chúa nhật 18.5.2003, có Thánh lễ Phong chức cho một Thầy Phó tế và ban Tác vụ Giúp lễ cho 24 Thầy tại Đại Chủng viện. Đến giờ mặc áo lễ, tôi thấy Đức Cha đi vô một phòng của các Cha, và tôi đã thưa: "Thưa Đức Cha, mặc áo lễ ở ngoài kia", và chỉ cho Ngài. Đức Cha thinh lặng quay ra, không nói không cười như mọi khi! Đức Cha đã quá biết vào những dịp lễ Phong Chức và Lễ Trọng, phải mặc Áo Lễ ở đâu, nhưng hôm nay Đức Cha lại đi vào phòng các Cha, như là để chào thăm mà không ai ngờ đó là lần cuối cùng!

Trong Thánh Lễ Phong Chức, có người nhận xét "Đức Cha có vẻ mệt!” Và sau Thánh Lễ, có người nói: "Hôm nay Đức Cha tiến bộ, làm Lễ mà không có quên …" Ai có thể ngờ được rằng đó là Thánh Lễ Phong Chức cuối cùng của đời Giám Mục và là Thánh Lễ sau hết trên trần gian của Đức Cha Phêrô!

Đến giờ cơm, Đức Cha khát nước, Ngài uống liên tục sáu ly nước, không ăn cơm … Rất ít nói, và nói rất nhỏ. Sau bữa cơm, vẫn thói quen, Đức Cha thu lấy các miếng xương cho con chó của Ngài và ghé thăm mấy con khỉ … Đức Cha hiền lành dễ thương với cả con loài vật. Thấy Đức Cha thì chó, khỉ, chim đều nhảy mừng vì biết thế nào cũng có quà. Thế nhưng ngày hôm đó, có ai ngờ đâu rằng Đức Cha đang ngã bệnh nặng. Vậy mà Ngài không hề kêu ca, rên la hay phàn nàn ..

Và sáng ngày thứ hai, 19.5.2003, đang giờ điểm tâm, điện thoại từ trên Tòa Giám Mục gọi xuống Đại Chủng Viện cho biết Đức Cha bị bệnh … Và cũng không ai ngờ đây là ngày cuối cùng của Đức Cha tại Tòa Giám Mục! Đức Cha nằm mệt, và tự nhận xét: "Có khi nào như vậy đâu?”. Đức Cha nằm bất động, thỉnh thoảng mở mắt nhìn và nói rất nhỏ … Nhìn Đức Cha Phêrô yếu mệt một cách khác thường như vậy, có Cha đã thốt lên: "Coi chừng Đức Cha Chính lại đi chôn Đức Cha Phó!”. Đức Cha Phêrô vẫn hiền lành chấp nhận, không phản ứng.

"Có khi nào như vậy đâu?” Có khi nào mà Đức Cha phải nằm cho người ta khiêng ra xe và phải nằm bệnh viện Chợ Rẫy đâu? Vì xưa nay Ngài vẫn khỏe và năng nhắc các Cha giữ gìn sức khỏe mà. Có khi nào Đức Cha Chính phải lo lắng cho sức khoẻ của Đức Cha Phó như lúc đó đâu? Vì bình thường Đức Cha Phó khỏe hơn Đức Cha Chính rất nhiều. Hai ngày tại bệnh viện Chợ Rẫy, mọi người đều lo lắng và cầu nguyện nhiều cho Đức Cha Phêrô, nhưng tin tức cứ xấu dần, và giữa đêm khuya lúc 23 giờ 36 phút thứ tư, ngày 21.5.2003, mọi người bàng hoàng xót xa khi nghe tin Đức Cha Phêrô không còn nữa!

Cái chết là việc sau cùng của cuộc sống. Nó là thành phần của cuộc sống. Một phần hết sức quan trọng. Chết không có nghĩa là hết sống. Nhưng nó kết thúc cuộc sống này, và là khởi đầu cho cuộc sống khác. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài, cái chết chấm dứt những gì căn bản nhất của con người. Đức Cha Phêrô vừa mất, Cha Quản Lý Đại Chủng Viện thay đồ cho Đức Cha, và mặc áo lễ tím cho Ngài. Nhưng rồi có Cha nhắc trong Mùa Phục Sinh nên mặc áo trắng cho Ngài. Khi chết, Đức Cha Phêrô mặc một lúc hai áo Lễ!. "Có khi nào như vậy đâu?". Thưa Đức Cha có! Những điều mà từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra, thì trong những ngày Đức Cha nằm bệnh, và nhất là khi Đức Cha chết, lại đã xảy ra. Khi chết, Đức Cha đã mặc một lần hai áo lễ như là để trình diện với Chúa cho chắc ăn: “Con là Giám Mục của Chúa đây!” Khi chết, Đức Cha vẫn dễ thương như khi còn sống, không phàn nàn, không kêu ca khó tính hay đòi hỏi …

Cái chết chẳng những chấm dứt mà còn chia lìa. Tôi đã thực sự xúc động trong Thánh Lễ đầu tiên dâng cho Ngài: bình thường trong Thánh Lễ tên của Đức Cha Phó đi liền với Đức Cha Chính "và hai Đức Cha Phaolô và Phêrô Giám Mục Giáo Phận chúng con", nhưng từ nay thì Đức Cha Chính trở thành đơn độc, trách nhiệm đã nặng, nay nặng thêm! Công việc đã nhiều, nay lại nhiêu khê hơn! Còn Đức Cha Phêrô được xướng lên trong khung chữ cầu cho những người qua đời, là điều không ai muốn, không ai ngờ, nhưng phải chấp nhận và đón nhận! Cầu chúc cho Đức Cha Phêrô đừng bị quên lãng …

"Có khi nào như vậy đâu?"


Khi Đức Cha Phêrô nằm xuống, người ta đã nói nhiều những đức tính rất nhân bản của Đức Cha: Hiền lành, khiêm nhường, khôn ngoan, vui vẻ, quảng đại… Và thật đúng như vậy. Nhưng có một nét đặc biệt trong đời sống của Đức Cha ít được nói đến, và lại là nền tảng và nguyên do của tất cả các đức tính tốt của Đức Cha Phêrô, đó là lòng đạo đức, lòng yêu mến của Ngài đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thật vậy, mỗi khi đêm về, sau giờ kinh tối với Chủng viện, Đức Cha đã ở lại lâu giờ trước Mình Thánh Chúa. Có lần Ngài đã tâm sự: "Nếu không có những giờ chầu Chúa như vầy, chắc mình không vác nổi Thánh Gía của mình!" Té ra con người nổi tiếng là hiền lành, vui vẻ và dễ thương với mọi người, vẫn có Thánh Giá riêng, nhất là Thánh Giá Giám Mục, Thánh Giá của Vị Mục Tử…. Và Đức Cha thấy rằng không ai có thể giúp Ngài chu toàn sứ vụ cao cả ngoài Chúa Giêsu Kitô, đêm ngày đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Đời sống nội tâm của Đức Cha thật sâu sắc và sống động. Thiếu đời sống nội tâm có thể đi tới đâu?

Trong lịch sử Hội Thánh có một vị Tu sĩ danh tiếng tên là Luthêrô, thuộc dòng Augustinô tại Đức. Mới 35 tuổi mà đã làm đến chức Giám Tỉnh! Nhưng vị Giám Tỉnh trẻ tuổi ấy lại quá ham hoạt động, chỉ tìm vinh danh bên ngoài. Ông nói: "Tôi quá bận: nào phải đi dạy, giảng thuyết, viết sách, người ta mời mọc khắp nơi …nên không có giờ đọc kinh, không có giờ nguyện ngắm, không có giờ dọn mình dâng Thánh Lễ, không có giờ để cám ơn Chúa, có lúc tôi phải bỏ luôn cả Lễ…" Kết qủa là vị Tu sĩ thông thái ấy đã chủ trương lạc thuyết, bất chấp lời khuyên bảo của Toà Thánh, ly khai khỏi Hội Thánh, ra khỏi Dòng để kết bạn và lôi cuốn lắm giáo hữu theo mình, làm cho Hội Thánh phải bị tổn thất nặng.

Đời sống tốt lành của Đức Cha Phêrô mời gọi chúng ta trở về với nguồn mạch của đời sống Thánh hiến cũng như của mọi KiTô hữu, đó là Chúa Giêsu Thánh Thể, vì như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói trong Thông điệp "Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể":

"Chính Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể ..[…] Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện Cứu Độ của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tín hữu và lương thực thiêng liêng cho cộng đoàn nầy, là những gì quí giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian". Hội Thánh sau 2000 năm hiện diện và truyền giáo, như là cảm thấy cần phải tuyên xưng lại Đức tin vào sự hiện diện quí báu đáng tôn thờ của Chúa Giêsu Thánh Thể. Và để kỷ niệm 25 năm làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận thấy không gì quí hơn cho Hội Thánh là ban hành Thông điệp về Phép Thánh Thể, để tuyên xưng Đức Tin của Hội Thánh vào Chúa Giêsu Thánh Thể và cũng để chia sẽ kinh nghiệm của Ngài về việc tôn thờ Thánh Thể. Sau những năm dài của cuộc đời, và nhất là sau những năm làm Giáo Hoàng, với biết bao là gian truân thử thách, Đức Thánh Cha nói:

"Trò chuyện thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể, và nghiêng mình vào lòng Chúa như môn đệ yêu dấu (Ga: 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của Trái Tim Chúa là một điều thiện hảo. Nếu vào thời đại chúng ta, Kitô Giáo phải trổi vượt nhất là trong nghệ thuật cầu nguyện, làm sao ta không thấy lại có nhu cầu mới được ở lại lâu giờ, trò chuyện Thiêng Liêng, tôn thờ im lặng trong thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể? Anh chị em thân mến, nhiều lần tôi đã có kinh nghiệm nầy và tôi đã múc lấy từ đó sức mạnh, an ủi và sự nâng đỡ”. (số 25). Và Đức Thánh Cha còn căn dặn thêm "trong ngày, người tín hữu không nên bỏ việc Viếng Thánh Thể được lưu giữ trong các nhà Thờ với lòng Tôn Kính đặc biệt. Những lần viếng Thánh Thể như vậy, là dấu hiệu tỏ lòng biết ơn, là cách diễn tả tình yêu và nhận ra sự hiện diện của Chúa".

Hiền lành, vui vẻ, dễ thương với mọi người, nhưng trước hết Đức Cha Phêrô là Vị Mục Tử Thánh Thiện. Chẳng những không có gì vẫn đục mờ tối trong cuộc đời 66 năm, mà dù ở cương vị nào Đức Cha vẫn trong sáng, tốt lành và vị tha. Chắc hẳn ở bên Chúa, giờ đây Đức Cha vẫn tốt lành cầu nguyện cho chúng ta. Trước hết, Ngài cầu nguyện cho Đức Cha Phaolô là đấng đã sinh ra Ngài trong chức Giám Mục cao cả, mà Ngài luôn vâng phục và yêu mến, tận tình cộng tác và kính trọng thiết tha. Đức Cha Phêrô thật là tấm gương sáng cho các Linh Mục về tâm tình đối với Đức Giám Mục. Cũng là gương sáng cho mỗi người chúng ta đối với Vị Chủ Chăn, và đối với nhau: hãy yêu thương, vui vẻ và quảng đại, đừng chấp nhất nhỏ nhen … Muốn được như vậy, trên hết, Chúa Giêsu Thánh Thể phải là động lực và trung tâm cuộc sống của chúng ta.